👑KINH THÁNH THẬT THÚ VỊ 👑(Phần 4)
🍂Chào mừng bạn đến với chuỗi bài viết mới của Hiệu Sách Cơ Đốc IAM. Hôm nay mình sẽ thảo luận về chủ đề: “SỰ HÌNH THÀNH BẢN DỊCH KINH THÁNH TIẾNG ANH?”
🍂Hãy click vào Hashtag #Kinh_Thánh_thật_thú_vị để xem các bài viết cùng chuyên mục này nha các bạn!
Có lẽ các bạn rất quen với các bản dịch Kinh Thánh Tiếng Anh như: NIV, KJV, ESV… Hoặc bạn chỉ biết đến phân đoạn Kinh Thánh Tiếng Anh bạn đang đọc mà không để ý lắm đến nguồn gốc của bản dịch. Bài viết này sẽ cung cấp một số bản dịch Kinh Thánh Tiếng Anh tiêu biểu và có ảnh hưởng qua nhiều thế hệ! Nào chúng ta cùng bắt đầu nhé!
📜Về bản dịch Kinh Thánh Tiếng Anh, William Tyndale, người được kính trọng và xem như “Cha đẻ của Kinh Thánh Tiếng Anh”, đã dịch phần Tân Ước tiếng Hy Lạp sang tiếng Anh vào năm 1526 và phần Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Anh vào năm 1535. Ngay sau khi hoàn thành bản dịch, vào ngày 21 tháng 05 năm 1535 Tyndale bị phản bội và bị bắt bởi những tay chân của Hoàng đế Charles V, một người hết lòng ủng hộ Công Giáo La Mã. Sau đó Tyndale bị buộc tội là tà giáo, bị treo cổ và bị thiêu trên cây mộc hình vào ngày 06 tháng 10 năm 1536. Những lời cuối cùng của ông trước khi chết là “Chúa ôi, xin hãy mở mắt Vua nước Anh!”
📜Trước khi Tyndale qua đời, bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Anh hoàn chỉnh đã được Miles Coverdale hiệu đính, và xuất bản tại châu Âu vào năm 1535. Sau khi Tyndale qua đời, nhiều bản dịch tiếng Anh khác được thực hiện. Một trong những bản dịch nổi tiếng cần phải kể tới là bản dịch KJV – King James Version. Năm 1603, James VI của Scotland lên ngai vua Anh Quốc với vương hiệu là James I. Thời điểm đó, có hai bản dịch Kinh Thánh được sử dụng song song: Quyển Kinh Thánh Giám Mục được những nhà lãnh đạo Hội Thánh ưa chuộng, còn quyển Kinh Thánh Geneva lại được công chúng yêu thích. Vào tháng 1 năm 1604, Vua James triệu tập một hội nghị gồm những nhà thần học và những người trong giáo hội tại cung điện Hampton để bàn về việc sử dụng một bản dịch cho toàn vương quốc. John Reynolds đã đề nghị cần phải có một bản dịch Kinh Thánh mới và đã được Vua James tán thành. Năm 1611 thì bản dịch mới được ấn hành. Cũng như các bản dịch Kinh Thánh khác, bản dịch này cũng được tái bản nhiều lần, mỗi lần tái bản đều có sự sửa đổi về bản văn. Vì vậy, phải mất chừng 40 năm, sau nhiều lần tái bản và hiệu đính, quyển Kinh Thánh năm 1611 này mới được công chúng đón nhận, thay thế cho cuốn Kinh Thánh Geneva. Khi được chính thức hóa, cuốn Kinh Thánh này chính thức trở thành cuốn Kinh Thánh của những người nói tiếng Anh.
📜Khi Kinh Thánh tiếng Anh được quan tâm thì đến thế kỷ 20 là thế kỷ của việc dịch Kinh Thánh. Một số bản dịch tiếng Anh trong thế kỷ này được thực hiện bởi những cá nhân hoặc nhóm. Một số bản dịch được thực hiện theo truyền thống của Tyndale – King James, một số khác thì không theo.
📜Trong số những bản dịch do cá nhân thực hiện, phải kể đến những tên tuổi sau:
✒James Moffatt với bản dịch The New Testament: A New Translation (1913), toàn bộ Kinh Thánh ông dịch được hiệu đính vào năm 1935.
✒Edgar J. Goodspeed, người tiên phong sử dụng “tiếng Anh đơn giản, dễ hiểu” để dịch Kinh Thánh, nói tới Goodspeed là nói tới bản dịch New Testament, An American Translation (1923). Năm 1935, một nhóm học giả đã dịch phần Cựu Ước và được xuất bản cùng phần Tân Ước của Goodspeed với tên bản dịch là The Bible: An American Translation.
✒J. B. Philips, một mục sư ở tại Luân Đôn đã dịch phần Tân Ước hoàn chỉnh và cho ra mắt bản dịch có tên là The New Testament in Modern English năm 1958. Tất cả bản dịch Kinh Thánh sử dụng tiếng Anh hiện đại chịu ảnh hưởng của Philips rất nhiều. Vì tư tưởng trong sáng, ngôn ngữ sống động, và việc sử dụng hình ảnh giàu trí tưởng tượng, nên ít có người sánh kịp ông.
✒William Barclay, giáo sư của Đại học Glasgow với bản dịch The New Testament: A New Translation (1968-1969). Bản dịch của ông nghiêng về truyền thống ngôn ngữ, nhưng thể hiện sự uyên thâm giúp người đọc nhận được nhiều ích lợi.
📜Dựa vào bản dịch Tyndale – King James, vào năm 1901, người Mỹ xuất bản quyển hiệu đính của họ có tên American Standard Version (ASV). Và trong thế kỷ 20, Hội Đồng Giáo Dục Tôn Giáo Thế Giới (International Council of Religious Education) đã phát hành bản hiệu đính của bản ASV, đây là khởi đầu của bản Revised Standard Version (RSV). Sau đó, bản dịch kế tiếp là New Revised Standard Version (NRSV) đã được xuất bản vào năm 1990. Đây là bản dịch đã bỏ bớt ngôn ngữ cổ, kể cả những dạng đại từ và động từ được sử dụng để diễn đạt về Đức Chúa Trời. Bản dịch này cũng đã khắc phục những trở ngại trong việc đem những điều không có trong nguyên bản vào trong bản văn tiếng Anh. Tuy nhiên, bản dịch này vừa được nhiều lời khen ngợi và vừa bị nhiều lời phê bình. Chủ yếu những sự phê bình đến từ nhóm Tin Lành bảo thủ, họ cảm thấy nghi ngại về bản dịch RSV, phần lớn trong số họ chỉ sử dụng bản KJV.
📜Năm 1978, bản dịch New International Version (NIV) được ấn hành, chiến lược quảng cáo rầm rộ tập trung vào tính đáng tin cậy nơi những người dịch, và NIV sẽ trở thành quyển Kinh Thánh cho tất cả những ai còn nghi ngại về RSV.
Có hai bản dịch không dựa trên bản truyền thống Tyndale – King James cần được chú ý là the New English Bible (NEB) và the Good News Bible (GNB: hoặc Today’s English Version: TEV). Cuốn NEB được xuất bản năm 1970 có thể được coi là dấu ngoặt lịch sử trong việc dịch Kinh Thánh. Bản dịch này có ưu điểm là ngôn ngữ rõ ràng và tự nhiên, không chứa đựng tiếng lóng. Sau đó, bản dịch này có một bản hiệu đính là Revised English Bible (REB), tuy nhiên bản dịch REB không được đánh giá là một bản dịch tốt và mang tính bảo thủ.
📜Vào năm 1966, Thánh Kinh Hội của Mỹ đã xuất bản Good News for Modern Man. Nét đặc trưng của quyển Kinh Thánh này là sử dụng “ngôn ngữ bình dân”, áp dụng nguyên tắc dịch “năng động”! Bản dịch này đã được dịch từ Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ và được xuất bản năm 1976.
📜Những bản dịch trên đều do người Tin Lành thực hiện, bên cạnh đó, Công Giáo La Mã và những học giả Do Thái cũng đã cho ra đời những bản dịch của họ trong thế kỷ 20. Vào năm 1955, Monsignor Ronald Knox, của Anh, đã xuất bản bản dịch Kinh Thánh từ quyển La Tinh Vulgate, “dựa vào những ngôn ngữ gốc, tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp”. Về các bản dịch của người Do Thái, bản dịch đáng chú ý nhất là New Jewish Version được The Jewish Publication tài trợ. Việc xuất bản này được thực hiện trong nhiều giai đoạn. Phần đầu, Ngũ Kinh (Torah), được xuất bản năm 1962 và phần cuối Thánh Văn (the Writtings) được xuất bản vào năm 1981. Bản dịch hoàn chỉnh có tên gọi là Tanakh, được xuất bản năm 1985.
📜Hy vọng bài viết và tổng hợp của Hiệu Sách Cơ Đốc IAM sẽ giúp bạn hình dung được sự hình thành và phát triển của Kinh Thánh Tiếng Anh. Bạn có thể truy cập website sau để xem các bản dịch Kinh Thánh một cách phong phú: https://www.bible.com/vi/bible/1/GEN.30.KJV (Bạn có thể chọn ngôn ngữ là English, web sẽ hiện ra rất nhiều bản dịch, hiện mình đang để là bản dịch KJV)
📚Bài viết được tổng hợp và trích dẫn trong cuốn: “Kinh Thánh đến với chúng ta như thế nào?” (Bible Society of Singapore published by United Bible Societies)