XIN LỖI
“Thông thường khi xảy ra cãi vã, cả hai bên đều thất bại trong một phương diện nào đấy. Có lẽ một trong hai người đáng bị khiển trách nhiều hơn vì gây ra vấn đề, nhưng trong lúc tranh cãi, thông thường mọi thứ trở nên sáng tỏ là cả người kia cũng có lỗi. Chừng nào những người chịu trách nhiệm về những vấn đề khác nhau chưa chịu xin lỗi, thì vấn đề vẫn chưa có một giải pháp lâu dài.
Ý chính của 1 Giăng 1:5-10 là sự cần thiết của việc bước đi trong ánh sáng. Câu 5, 8 và 10 cho thấy rằng khía cạnh chính yếu của bước đi trong ánh sáng là chấp nhận rằng chúng ta đã sai. Theo câu 9, điều này được bày tỏ qua việc người tìm cách bước đi trong ánh sáng xưng nhận tội lỗi của mình (với Chúa). Câu 7a nêu lên khía cạnh lý trí của việc bước đi trong ánh sáng: “Nhưng nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng, cũng như chính Ngài ở trong ánh sáng, thì chúng ta được tương giao với nhau.” Khi xem xét bối cảnh của câu Kinh Thánh này, chúng ta có thể kết luận rằng câu này dạy nếu chúng ta muốn có mối thông công thật sự, thì chúng ta phải tìm cách đi theo đường lối của Chúa và xưng nhận rằng chúng ta đã không đi theo đường lối ấy. Những ai không nghiêm túc trong việc vâng lời Chúa và không nhận lỗi thì không thể có mối thông công Cơ Đốc thật sự. Họ có thể ôm, hôn, trò chuyện, cười đùa, nhưng vẫn có một hàng rào ngăn cách sự hiệp một thật sự.
Khi còn là thiếu niên, tôi nghe một giáo sĩ người Mỹ ở Sri lnaka, ông Don Rubesh, nói: “Năm chữ khó nói nhất ở nhà là: “Xin lỗi, con (hoặc anh/em/bố/mẹ) đã sai.” Một người bạn có lần nói với tôi “Tôi chưa bao giờ nghe vợ tôi nói xin lỗi cả.” Một quý bà cũng nói với tôi câu tương tự về chồng mình…Chúng ta ai cũng thất bại trong việc sống theo tiêu chuẩn toàn hảo của Đức Chúa Trời. Thế nhưng, việc chấp nhận rằng chúng ta đã làm sai lại là điều nhục nhã. Trong các nền văn hóa định hướng bởi sự xấu hổ và sợ hãi, như văn hóa Á châu và thậm chí là Tây phương (đặc biệt giữa vòng những cộng đồng thiểu số), xin lỗi là việc cực kỳ khó làm. Như đã nói đến ở trên, một số người xem cảm giác xấu hổ khi phơi bày việc làm sai trái còn tồi tệ hơn bản thân việc làm sai trái ấy. Vì thế, chúng ta cần phải có những lý do tốt để tin rằng xin lỗi là việc đáng phải làm.
Lý do mạnh mẽ nhất cho việc xin lỗi liên hệ đến giáo lý của Kinh Thánh về ân điển. Tội lỗi của chúng ta ngăn trở ân điển của Đức Chúa Trời đến với cuộc đời chúng ta…”
Bài viết được trích dẫn trong cuốn sách (Hãy bấm hashtag này để xem thêm bài viết liên quan):
Đơn vị xuất bản: Công ty TNHH Văn Phẩm Hạt Giống
Tác giả: Ajith Fernando
Dịch giả: Huệ Anh – Lan Khuê