TẠI SAO KINH THÁNH CỰU ƯỚC LẠI QUAN TRỌNG? P1

Bạn sẽ nói gì với người bỏ qua Kinh Thánh Cựu Ước? Có lẽ người đó bảo bạn đừng mất công nghiên cứu Kinh Thánh Cựu Ước làm gì vì vì họ cho rằng “Chúng ta là cơ đốc nhân thời Tân Ước, chúng ta có chúa Giê-xu. Chúng ta không cần Cựu Ước nữa”?

Có ít nhất 3 lý do để chúng ta nghiên cứu Kinh Thánh Cựu Ước:
🌻Phần 1: Cựu Ước đến với chúng ta từ Đức Chúa Trời
📒Đức Chúa Trời quan trọng hơn bất kỳ con người nào trong vũ trụ và Ngài yêu chúng ta nhiều đến nỗi Ngài ban Con Ngài đến để cứu chúng ta và cũng chính Đức Chúa Trời này là Đấng đã tặng chúng ta toàn bộ Kinh Thánh gồm cả phần mà ngày nay chúng ta gọi là Cựu Ước. Đức Chúa Trời sẽ cảm thấy thế nào nếu chúng ta không thèm mở hết món quà Ngài tặng? Ngài đã ban tặng cho chúng ta những sách Cựu Ước này nhưng nếu chúng ta chẳng đả động gì đến chúng, hết năm này sang năm khác, điều đó nói gì về chúng ta?
📒Đôi khi chúng ta nói Kinh Thánh là những sách thánh “the Scriptures”. Dĩ nhiên, chúng ta muốn nói đến cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Nhưng trong thời Chúa Giê-xu và Phao-lô, khi người ta nói đến các sách thánh là nói đến những sách mà ngày nay chúng ta gọi là Cựu Ước. Với họ, các sách Thánh là món quà vĩ đại nhất Đức Chúa Trời ban cho con dân Chúa chỉ sau Chúa Giê-xu Christ. Họ trân quý Kinh Thánh, họ nghiên cứu Kinh Thánh với lòng mến yêu và dạy cho con cái họ. Vì vậy, Phao-lô biết rằng bạn ông là Ti-mô-thê có mẹ và bà ngoại là người Do Thái, đã học biết Kinh Thánh, tức Cựu Ước từ khi còn nhỏ và ông khích lệ Ti-mô-thê cẩn thận nghiên cứu, rồi khẩn trương và thường xuyên giảng dạy. Khi Phao-lô nói “Kinh Thánh” (Holy Scriptures) và “cả Kinh Thánh”, ông muốn nói toàn bộ phần chúng ta gọi là Cựu Ước. Hãy đọc điều Phaolô nói về Cựu Ước ở đây và lưu ý những lý do Phao-lô nói Ti-mô-thê phải giảng từ Cựu Ước.
“Về phần con, hãy giữ vững những gì con đã học và tin quyết, vì con biết mình đã học những điều đó với ai, và từ thuở ấu thơ con đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đấng Christ Jêsus. Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính, để người của Đức Chúa Trời được toàn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.
Trước mặt Đức Chúa Trời và Đấng Christ Jêsus, là Đấng sẽ phán xét người sống và kẻ chết, và vì sự hiện đến của Ngài và vương quốc Ngài, ta khuyến cáo con: Hãy truyền giảng lời Chúa, hãy kiên trì dù trong thuận cảnh hay nghịch cảnh, hãy thuyết phục, khiển trách, khích lệ với tất cả lòng nhẫn nhục và tinh thần dạy dỗ.”
(2 Ti 3:14-4:2)
🌳Thứ nhất, “Kinh Thánh” (xin nhớ là ông muốn nói đến Cựu Ước) có thể dẫn người ta đến sự cứu rỗi qua đức tin nơi chúa Giê-xu Christ.
Cựu Ước dọn đường cho Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si-a và chỉ ra chính Đức Chúa Trời, Đấng cứu dân Ngài trong quá khứ, giờ đây hành động qua Chúa Giê-xu để đem sự cứu rỗi đến cho con người ở khắp mọi nơi. Phao-lô biết điều này vì ông đã dành cả cuộc đời để đem người ta đến chỗ tin nhận Chúa Giê-xu, dùng Cựu Ước để biện luận và chứng minh cho lập trường của mình. Vì vậy, Cựu Ước không phải là “quyển sách chết”. Cựu Ước chứa đựng sự cứu rỗi và chỉ về Đấng Cứu Thế.
🌳Thứ hai, Kinh Thánh Cựu Ước được “Đức Chúa Trời hà hơi”. Từ này thường được dịch là “được linh cảm” hay “được soi dẫn”.
Phao-lô muốn nói rằng những lời chúng ta hiện có trong các sách Cựu Ước được Đức Chúa Trời hà hơi vào. Điều đó có nghĩa là mặc dù những lời này được nói và viết ra bởi những con người bình thường như chúng ta nhưng những điều được nói và viết xuống đó như thể ra từ miệng Đức Chúa Trời.
🌳Thứ ba, Phao-lô nói Kinh Thánh Cựu Ước “có ích”. Rồi ông liệt kê những cách “có ích” mà Kinh Thánh đem đến (“dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị và dạy trong sự công bình”) – tất cả đều là những điều cần diễn ra trong cộng đồng hội thánh ảnh để giúp con người hiện thời có thể sống theo cách Chúa muốn.
Đó là lý do Phao-lô ngay lập tức bảo Ti-mô-thê có thể phải giảng Lời Chúa, không phải Cựu Ước chỉ vận hành trong quá khứ để dẫn con người đến đức tin và sự cứu chuộc trong Đấng Christ. Nó cũng không phải là điều gì đó chúng ta bỏ lại phía sau một khi chúng ta đã đến với Đấng Christ. Không hề! Vì Cựu Ước đến từ Đức Chúa Trời nên Cựu Ước chứa đựng thẩm quyền của Đức Chúa Trời và Cựu Ước vẫn tiếp tục liên hệ đến chúng ta. Chúng ta có thể và nên dùng Cựu Ước để dạy dỗ và hướng dẫn trong cuộc sống. Dĩ nhiên chúng ta phải cẩn thận xem thử Cựu Ước liên hệ với chúng ta như thế nào. Chắc chắn điều đó không có nghĩa là chúng ta chỉ đơn giản làm theo mọi điều Cựu Ước nói, giống y như những gì được viết ra. Chúng ta sẽ suy nghĩ về điều này trong các chương khác của cuốn sách “Ngọt Hơn Mật – Giảng các sách Cựu Ước”.
🌳Tóm lại là Cựu Ước có thẩm quyền (Vì Cựu Ước đến từ Đức Chúa Trời), và Cựu Ước có liên hệ đến chúng ta (Vì cựu ước “có ích” cho chúng ta trong cuộc sống)
(loạt bài viết được trích dẫn từ cuốn sách “Ngọt Hơn Mật – Giảng các sách Cựu Ước”, thuộc bản quyền của công ty Văn Phẩm Hạt Giống)