KHÔNG CÓ CÁI GỌI LÀ MỘT GIA ĐÌNH HOÀN HẢO
“Thật ra, không có cái gọi là hôn nhân hoàn hảo hay gia đình hoàn hảo. Gia đình nào cũng phải vật lộn với những xung đột, những hiểu nhầm và tổn thương. Đó là lý do vì sao kiên nhẫn là một mỹ đức quan trọng trong Cơ Đốc giáo. Trong quyển sách viết về tình yêu dựa trên 1 Cô-rinh-tô 13, tôi đã phải dành bốn trong số mười chín chương cho chủ đề sự kiên nhẫn. Điều đó cho thấy kiên nhẫn quan trọng đối với một đời sống yêu thương như thế nào! Đây là chủ đề xuất hiện thường xuyên trong Tân Ước. Danh từ (hupomonē) và động từ (hupomenō), có liên quan đến chữ “nhịn nhục”, xuất hiện lần lượt 32 lần và 14 lần khi nói đến cách cư xử của người Cơ Đốc. Danh từ (makrothumia) và động từ (makrothumeō), có liên quan với chữ “kiên nhẫn” hay chữ “nhẫn nại”, xuất hiện lần lượt chín lần và sáu lần khi nói đến cách cư xử của người Cơ Đốc. Tổng cộng tất cả những lần xuất hiện của các từ này là 61 lần.
Bất cứ cặp đôi nào có cuộc hôn nhân hạnh phúc nào cũng sẽ nói cho bạn biết rằng họ đối diện với rất nhiều thách thức khó giải quyết khác nhau đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và họ vẫn tiếp tục sống với những thách thức như thế. Cơ Đốc nhân nào cũng có những yếu đuối và thường phạm sai lầm. Khi nói với những người làm thầy trong phân đoạn Kinh Thánh nói về cái lưỡi, Gia-cơ đã nói: “Tất cả chúng ta đều vấp phạm nhiều cách”. Giăng thì nói: “Nếu chúng ta nói mình không có tội thì chúng ta tự lừa dối mình, và chân lý không ở trong chúng ta” (1 Giăng 1:8). Chỉ một mình Đức Chúa Trời không hề phạm tội và tuyệt đối hoàn hảo. Nếu chúng ta mong đợi các thành viên trong gia đình mình hoàn hảo, thì chúng ta đã đặt gánh nặng kinh khiếp lên vai họ. Cha mẹ bất lực đứng nhìn khi họ không hiểu chuyện gì đã xảy ra với “đứa con hoàn hảo” của họ kể từ khi đứa trẻ ấy bước sang tuổi thiếu niên. Tôi cảm thấy những năm tháng thiếu niên của con cái tôi đã làm cho tôi trở thành một chuyên gia cầu nguyện hết sức thiết tha!
Ở một thời điểm nào đó, mọi gia đình tín hữu đều sẽ phải đối diện với kinh nghiệm ốm đau, xung đột, những chuyện nhức đầu, đau buồn, những thất vọng và thất bại. Vì thế, ai cũng phải trở thành “chuyên gia” trong việc thực hành tính kiên nhẫn. Đây là nhiệm vụ mà chúng ta phải cam kết thực hiện. Hầu hết các gia đình Cơ Đốc đều có thể kinh nghiệm niềm vui giữa lúc đau đớn – niềm vui cuối cùng vượt trên nỗi đau. Tuy nhiên, cũng có một số gia đình tín hữu mà nỗi đau cứ dai dẳng và lấy mất niềm vui. Những gia đình này luôn mang trong mình nỗi đau buồn sâu sắc…”
Bài viết được trích dẫn trong cuốn sách (Hãy bấm hashtag này để xem thêm bài viết liên quan):
Đơn vị xuất bản: Công ty TNHH Văn Phẩm Hạt Giống
Tác giả: Ajith Fernando
Dịch giả: Huệ Anh – Lan Khuê