TẠI SAO KINH THÁNH CỰU ƯỚC LẠI QUAN TRỌNG? (Phần 2)

Bạn sẽ nói gì với người bỏ qua Kinh Thánh Cựu Ước? Có lẽ người đó bảo bạn đừng mất công nghiên cứu Kinh Thánh Cựu Ước làm gì vì vì họ cho rằng “Chúng ta là cơ đốc nhân thời Tân Ước, chúng ta có chúa Giê-xu. Chúng ta không cần Cựu Ước nữa”?

Có ít nhất 3 lý do để chúng ta nghiên cứu Kinh Thánh Cựu Ước. Sau đây là Phần 2 của loạt bài về chủ đề “TẠI SAO KINH THÁNH CỰU ƯỚC LẠI QUAN TRỌNG?”

Phần 2: Cựu Ước đặt nền móng cho đức tin của chúng ta?

Có bao giờ cuộc họp sắp kết thúc thì bạn mới bước vào phòng họp và ráng tham gia vào cuộc bàn luận mà ở đó mọi người đang nói về một đề tài quan trọng nào đó đến gần cuối nội dung của buổi họp chưa?

Bạn không biết mọi người đã nói gì, còn những người đang nói thì lại mặc định những điều đã được nói và thống nhất trước đó. Bạn sẽ dễ dàng hiểu sai điều được nói lúc này vì bạn không biết những gì đã diễn ra trước đó. Mọi người đã có mặt không phải lặp lại mọi nhiều đã được nói nãy giờ vì họ đã biết hết rồi. Họ nghĩ rằng biết những ý đã được nói trước đó là chuyện đương nhiên. Còn bạn lại không nắm được ý, và có thể hiểu nhầm nhiều điều, nhất là khi những điều đã được thống nhất và quyết định trong phần đầu buổi họp là rất quan trọng.

Nếu bạn chỉ đọc Tân Ước, thì cũng giống như tham dự cuộc họp rất muộn và bỏ mất những phần thảo luận cùng những quyết định trước đó. Đó là vì Tân Ước bao hàm tất cả những điều Đức Chúa Trời đã nói và làm trong lịch sử Cựu Ước, và Tân Ước không nhất thiết phải nhắc lại những điều ấy nữa. Và nó bao gồm một số điều vốn là những chân lý căn bản của niềm tin Cơ Đốc được nói đến trong Kinh Thánh. Dưới đây là một số điều Đức Chúa Trời dạy chúng ta trong Cựu Ước, được giả định trong Tân Ước và được đem vào trong mối liên hệ với Đấng Christ:

Sự sáng tạo

Không chỉ ở Sáng Thế Ký chương 1 và 2, mà ở những chỗ khác (các Thi Thiên, và một số sách Tiên Tri) chúng ta cũng biết được lẽ thật về thế giới của mình. Đó không phải là một sự tình cờ, hay ảo tưởng, hay không là gì cả ngoài các nguyên tử. Mọi vật hiện hữu (ngoài Chúa) đều được tạo dựng và sắp xếp bởi một Đức Chúa Trời hằng sống. Cả công trình sáng tạo không ngừng được duy trì bởi Đức Chúa Trời, thuộc về Đức Chúa Trời, và đem lại sự khen ngợi cùng vinh quang cho Đức Chúa Trời. Ngài yêu quý mọi vật Ngài đã dựng nên. Đây là những chân lý được dạy trong Cựu Ước và được thừa nhận trong Tân Ước.

Đức Chúa Trời

Khi dùng từ “Chúa” trong tiếng Anh (hoặc từ tương đương trong bất kỳ ngôn ngữ nào khác), chúng ta muốn nói đến ai? Các tác giả Tân Ước muốn nói đến ai khi họ nói về “theos” (tiếng Hy Lạp)? Câu trả lời có vẻ hiển nhiên, nhưng đây là câu hỏi rất quan trọng vì, dĩ nhiên, có nhiều “thần” và nhiều khái niệm về “Chúa” trên thế giới – cũng như hiện thời. Vì vậy, cho dù chúng ta nói “Chúa Giê-xu là Chúa” cũng có thể gây ra đủ kiểu nhầm lẫn, trừ phi chúng ta nói rõ “Chúa” là ai. Dĩ nhiên, các tác giả Tân Ước cũng rất rõ ràng về điều này. Họ muốn nói đến Đức Chúa Trời, Đấng tự bày tỏ trong Cựu Ước, trong lịch sử, trong đời sống và sự thờ phượng của Israel vào thời Cựu Ước. Họ muốn nói đến Đức Chúa Trời mà tên riêng của Ngài luôn được dịch là “CHÚA” trong Anh ngữ. Họ không nhắc lại vô số những chiều sâu của sự mặc khải về Đức Chúa Trời, Đấng có trong Kinh Thánh Cựu Ước này. Họ xem như mọi người đã biết rồi. Họ biết họ đang nói về ai.

Vì vậy chúng ta cần đọc Cựu Ước kỹ càng để biết đức chúa trời chân thật – Đức Chúa Trời mà chúng ta gặp khi Ngài đến sống giữa chúng ta qua Chúa Giê-xu ở Na-xa-rét. Nếu không, chúng ta có thể gán cho Chúa Giê-xu mọi ý niệm sai trật về “chúa/thần” mà chúng ta hấp thu từ bối cảnh văn hóa hoặc tôn giáo của chính mình.
(loạt bài viết được trích dẫn từ cuốn sách “Ngọt Hơn Mật – Giảng các sách Cựu Ước”, thuộc bản quyền của công ty Văn Phẩm Hạt Giống)