🔥CÁCH ĐỌC KINH THÁNH THEO NHÓM SÁCH🔥 (PHẦN 3)

Vui lòng ấn vào hashtag để xem các bài viết tương tự: #CÁCH_ĐỌC_KINH_THÁNH_THEO_NHÓM_SÁCH
📒Ở các phần trước, mình đã giới thiệu cách đọc Kinh Thánh theo nhóm sách. Ở phần 3 này mình sẽ giới thiệu cách tận dụng những phụ lục mà Kinh Thánh cung cấp, đó là:
1. Bảng từ ngữ Kinh Thánh
2. Bảng chú dẫn Kinh Thánh
3. Bảng đối chiếu các sách Tin Lành
4. Bản đồ
📒Nếu các bạn chưa từng xem những phần Phụ lục này, mình hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn đang khát khao và yêu thích tìm hiểu Kinh Thánh ^^

BẢNG TỪ NGỮ KINH THÁNH

🌻Đầu tiên là BẢNG TỪ NGỮ KINH THÁNH, bảng này giống như là một cuốn từ điển giải thích cho bạn nghĩa của các từ khó hiểu trong Kinh Thánh, hoặc những từ ngữ mang tính chất thuộc về văn hóa, lịch sử của dân Do Thái và các dân tộc thời mà Kinh Thánh được ghi chép, kí thuật.
🌵Ví dụ, chúng ta thường sử dụng từ “Amen” trong Hội thánh, nhiều khi chúng ta mơ màng hiểu nghĩa của từ này…nhưng nghĩa thật sự của từ này là gì?
#Amen: Từ ngữ Do Thái, có nghĩa là “Muốn thật hết lòng” hay “Thật phải có như vậy”. Cũng còn có nghĩa là “chắc chắn”, “đáng tin cậy”, “sự thật”. Trong Khải huyền 3:14 Chúa Jesus tự xưng là Đấng A-men.
🌵Hay là một từ khác hay được dùng trong các bài giảng trong Tân Ước, từ “Pha-ri-si”, hay “người Pha-ri-si”?
#Pha_ri_si: Một phái trong Do Thái giáo vào thời Chúa Jesus. Họ nghiêm ngặt trong việc tuân giữ Luật Môi-se và những điều luật khác được thêm vào qua nhiều thế kỷ.
🌵Hay là từ “xức dầu”, “xức dầu” nghĩa là gì? Tại sao bạn thường hay nghe đến từ này và thậm chí còn “cầu nguyện xức dầu cho mục sư” trong giờ nhóm nữa, nhưng bạn có hiểu “xức dầu” là gì không?
#Xức_dầu: Đổ hoặc xức dầu Ô-liu lên đầu một người để tôn vinh hoặc bổ nhiệm người ấy vào một công việc đặc biệt. Vua dân Do Thái được xức dầu khi nhậm chức, và vì thế nhà vua đó có thể được gọi là: “Người được xức dầu”. “Christ” là từ ngữ Hi Lạp cho “Đấng chịu xức dầu”, đó là danh hiệu cho Đấng được Đức Chúa Trời lựa chọn và xức dầu để làm Cứu Chúa và Chúa.
Khi xem BẢNG TỪ NGỮ KINH THÁNH, bạn sẽ tra cứu theo bảng chữ cái TIẾNG VIỆT, tức là: A, Ă, Â, B, C… T,V,X

BẢNG CHÚ DẪN KINH THÁNH

🌻Thứ hai là BẢNG CHÚ DẪN KINH THÁNH, trong bảng này, bạn sẽ biết được một từ ngữ được ghi chép trong địa chỉ Kinh Thánh nào. Trong bảng này, điều đầu tiên cần chú ý, đó là TỪ VIẾT TẮT: CƯ là Cựu Ước và TƯ là Tân Ước. Các từ viết tắt này sẽ được sử dụng trong bảng để giúp bạn đọc từ người mới tìm hiểu Kinh Thánh đến người đã biết Kinh Thánh được một thời gian tra cứu nhanh địa chỉ Kinh Thánh nằm ở phần Cựu Ước hay Tân Ước.
🌵Ví dụ, từ “Báp-têm”:
(a) Giăng Báp-tít: Mat 3:6,11-15; Mác 1:4,5,8; Lu 3:3,7,16;….
(b) Đức Chúa Jesus: Mat 3:13-17; Mác 1:9-11….
(c) Cơ Đốc Nhân: Mat 28:19; Công 2:38,41…
(d) bởi Đức Thánh Linh: Mat 3:11; Mác 1:8; Lu 3:16….

BẢNG ĐỐI CHIẾU CÁC SÁCH TIN LÀNH

🌻Thứ ba là BẢNG ĐỐI CHIẾU CÁC SÁCH TIN LÀNH, trong bảng này, chúng ta sẽ biết các chủ để được ghi chép ở đâu trong các sách Tin Lành (bốn sách Phúc âm: Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, Giăng). Có thể bạn đã từng đọc 4 sách này, có thể bạn băn khoăn vì sao nội dung của chúng có vẻ lặp lại và rất giống nhau ở một số câu chuyện…^^! À! Khi bạn xem BẢNG ĐỐI CHIẾU CÁC SÁCH TIN LÀNH bạn sẽ thấy rõ các chủ đề được ghi chép trong các sách này như thế nào. Bảng sẽ cho các bạn biết chi tiết 3 mục:
1. Các phân đoạn nằm đúng chỗ theo thứ tự trong các sách Tin Lành (Số tham chiếu in đậm)
2. Các phân đoạn không theo thứ tự trong sách Tin Lành (Số tham chiếu in thường)
3. Các phân đoạn có nội dung liên quan đến chủ đề (chữ số in nhỏ và nghiêng)
🌵Ví dụ, “Gia phả của Chúa Jesus” được chép trong Ma-thi-ơ 1:2-17 và Lu-ca 3:23-38, tuy nhiên hai phân đoan này trình bày không theo thứ tự. Ma-thi-ơ chép từ “Áp-ra-ham sinh Y-sác; Y-sác sinh Gia-cốp; Gia-cốp sinh Giu-đa và anh em người.” cho đến “Gia-cốp sinh Giô-sép là chồng Ma-ri; Ma-ri là người sinh Jêsus, gọi là Đấng Christ”. Còn Lu-ca chép “Đức Chúa Jêsus bắt đầu chức vụ khi Ngài độ ba mươi tuổi. Theo người ta tin thì Ngài là con Giô-sép, Giô-sép con Hê-li” cho đến “Kê-nan con Ê-nót, Ê-nót con Sết, Sết con A-đam, A-đam con Đức Chúa Trời.”
🌵Ví dụ tiếp, chủ đề “Sự tôn thờ hài nhi Jesus” được chép chi tiết ở Ma-thi-ơ 2:1-12 và Lu-ca 2:8-20, và phân đoạn liên quan nhưng không chi tiết như hai phân đoạn trên là Giăng 7:41-42.

BẢN ĐỒ

🌻Cuối cùng là BẢN ĐỒ, cuối Kinh Thánh là bản đồ thể hiện các khu vực địa lý trọng yếu mà Kinh Thánh nói đến, bắt đầu từ thời năm 1800-1400 TC (trước Công Nguyên):
1. Vùng Cận đông cổ (1800-1400 TC)
2. Ai Cập và Si-na-i (1400-1200 TC)
3. Sự phân chia xứ Ca-na-an (1200-1030 TC)
… cho đến
16. Hành trình truyền giáo III và IV của Phao-lô
🌵BẢN ĐỒ sẽ cho chúng ta thấy hành trình Áp-ra-ham đi từ đầu tới đâu? Đất hứa ở chỗ nào? Giô-sép làm tể tướng Ai Cập thì Ai Cập ở đâu? Đất mà Pha-ra-ôn phân cho cụ Gia-cốp và 70 người trong gia đình ở Gô-sen, thế thì Gô-sen ở đâu? À, trong bản đồ các bạn sẽ thấy vùng đất đó là gần sông Nin. Sông Nin là nơi có phù sa rất phù hợp cho việc trồng trọt, chăn nuôi…
🌵BẢN ĐỒ địa lý nói lên rất nhiều điều khi chúng ta nghiên cứu Kinh Thánh và khiến cho việc tìm hiểu Kinh Thánh trở nên hào hứng, thú vị và trực quan hơn rất nhiều!
🌳Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết
🌳Hy vọng bài viết có thể giúp ích phần nào cho các bạn khi đọc và nghiên cứu Kinh Thánh
🌳Bài viết sử dụng các Phụ lục thuộc Kinh Thánh bản Truyền Thống Hiệu Đính
🌳Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc góp ý nào, các bạn vui lòng gửi về email: anhsangvamuoi.iam@gmail.com
🌳Nguyện Đức Chúa Trời ban phước cho các bạn!