Khải Huyền – Sống Đắc Thắng
Cũng như sách Đa-ni-ên, sách Khải Huyền được viết trong các thời kỳ con dân Chúa gặp khó khăn, hoạn nạn. Sách Đa-ni-ên viết trong thời kỳ lưu đày tại Ba-by-lôn, sách Khải Huyền viết trong thời kỳ khởi đầu những xung khắc giữa đế quốc La Mã và Hội Thánh.
Đọc những chương đầu của sách Khải Huyền, chúng ta thấy ngay những sự bức hại và khó khăn đang đe dọa Hội Thánh cả bên ngoài lẫn bên trong: Hội Thánh Ê-phê-sô được khen ngợi vì có lòng trung kiên và biết phân biệt người chính và người tà (2:2); Hội Thánh Si-miệc-nơ phải chịu hoạn nạn trong mười ngày (2:10); tại Bẹc-găm có An-ti-ba chịu tuẫn đạo (2:13); “Hoạn nạn lớn” đang đe dọa Thi-a-ti-rơ (2:22); Chúa hứa với Hội Thánh Phi-la-đen-phi sẽ bảo vệ họ trong giờ phút thử thách (3:10). Việc Sứ đồ Giăng bị lưu đày tại đảo Bát-mô là một trường hợp điển hình về những hoạn nạn nói đến trong sách này.
Tuy nhiên, đó không phải là số phận vĩnh viễn của Hội Thánh. Trong ngày cuối cùng khi Chúa tái lâm, Sa-tan và các thế lực tội ác sẽ bị hủy diệt và Hội Thánh sẽ toàn thắng. Đức Chúa Trời, Chúa của lịch sử, cầm quyền tối thượng và Hội Thánh sẽ như “cô dâu trang sức cho chồng mình” (21:2), đúng như Lời Chúa Giê-xu đã phán: “Các cửa âm phủ chẳng thắng được Hội Thánh.” Khi Nước Trời xuất hiện và “Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa” cai trị thì muôn vật sẽ phục tùng ý muốn của Ngài (11:15).
Trong viễn tượng vinh quang đó, sách Khải Huyền kêu gọi con dân Chúa hãy có đức tin, can đảm, và nhẫn nhục; phải tự xét mình, ăn năn những thất bại và tái dâng hiến mình cho Chúa Cứu Thế, dù phải trả giá. Bên cạnh đó, sách Khải Huyền cũng có những lời hứa phước hạnh nhằm khích lệ con dân Chúa giữ vững niềm tin và trung tín cho đến cuối cùng.
Cũng như các sách thuộc linh loại văn chương khải thị, sách Khải Huyền thường dùng những biểu tượng và thị tượng để chuyên chở sứ điệp. Mặc dù Khải Huyền là sách khó hiểu Và bị lãng quên nhưng chúng ta nên nhớ rằng đây là “khải thị của Đức Chúa Giê-xu mà Đức Chúa Trời ban cho Ngài để tỏ cho các tôi tớ Ngài” (1:1). Đây là sách duy nhất trong Tân Ước có lời hứa: “Phước cho người đọc và những ai nghe lời tiên tri và giữ những điều viết ra trong sách này” (1:3). Ngoài ra, sách cũng kết thúc bằng một lời cảnh cáo những ai thêm hay bớt nội dung của lời tiên tri (22:18, 19). Với những đặc điểm và lời tuyên bố như thế, Khải Huyền là Lời Đức Chúa Trời để tất cả con dân Chúa chuyên cần học hỏi.
Văn Phẩm Nguồn Sống hân hạnh giới thiệu với các tôi con Chúa tập giải nghĩa Khải Huyền của Tiến sĩ Warren W. Wiersbe. Chúng tôi hy vọng với sách giải nghĩa này, tôi con Chúa sẽ mạnh dạn hơn trong việc nghiên cứu sách Khải Huyền, để nhờ đó rút ra được những bài học hữu ích giúp chúng ta chiến thắng mọi khổ đau hoạn nạn, tiếp tục giữ vững niềm tin, hy vọng, và dạn dĩ rao truyền Phúc Âm cho đến khi Chúa đến.
Mục Lục
Khải Huyền – Sống Đắc Thắng
1.Quyển sách lớn lạ lùng (Khải huyền 1)
2.Đấng Christ và Hội Thánh – Phần I (Khải huyền 2)
3.Đấng Christ và Hội Thánh – Phần II (Khải huyền 3)
4.Hãy tôn thờ Ngài (Khải huyền 4-5)
5.Các ấn và những người được đóng ấn (Khải huyền 6-7)
6.Thổi kèn lên (Khải huyền 8-9)
7.Thời gian để làm chứng (Khải huyền 10-11)
8.Con Rồng, Christ giả, và tiên tri giả (Khải huyền 12-13)
9.Tiếng reo mừng chiến thắng (Khải huyền 14-16)
10.Suy tàn và hủy diệt (Khải huyền 17-18)
11.Vua và vương quốc của Ngài (Khải huyền 19-20)
12.Mọi sự điều mới! (Khải huyền 21-22)
=========================================
Hãy truy cập Facebook của chúng mình nhé:
Facebook: Hiệu Sách Cơ Đốc – Fanpage: Sách Cơ Đốc I AM
Để xem những đầu sách Cơ Đốc khác, truy cập tại đây
Để tham khảo những mẫu quà tặng cơ đốc, truy cập tại đây